Tel: 450 442-3292

E-mail:

[email protected]






Tác giả







Trần Việt Hải

Los Angeles (CA)




Hai Mươi Sáu Năm Lưu Đày

Cuốn sách Hai Mươi Sáu Năm Lưu Đày là một bản cáo trạng nói đến tội ác của chế độ CSVN trước lương tâm nhân loại. Người CS áp dụng chủ thuyết Tam Vô, mà trong đó 3 yếu tố cấm kỵ của họ là Vô Tổ Quốc, Vô Gia Đình và Vô Tôn Giáo. Yếu tố thứ ba đã ảnh hưởng trực tiếp đến tác giả Huỳnh Văn Ba, tức Thượng tọa Thích Thiện Minh. Tác phẩm Hai Mươi Sáu Năm Lưu Đày trình bày những án tù cực hình, dã man mà người tu sĩ bất khuất chịu đựng. Ông mất ngôi chùa nơi thờ phượng, hành đạo, ông mất quê hương trong 26 năm lưu đày xa xứ, ông mất quyền làm người với nhân vị xứng đáng của một nhà tu hành. Xin hãy lắng nghe tiếng lòng của ngài Thiện Minh để thấy rằng đức tính bi trí dũng của người con Phật vẫn sáng ngời trước những đàn áp của bạo lực. (Việt Hải)



“26 Năm Lưu Đày”
của
Thượng tọa



Thích Thiện Minh

Trần Việt Hải



Tôi hân hạnh được cô Trâm Oanh bên Đức Quốc gửi biếu cuốn "26 Năm Lưu Đày" của Thượng tọa Thích Thiện Minh. Tôi như bị thôi miên nhìn vào cái đề tựa. Hai mươi sáu năm là một khoảng thời gian quá dài, thời gian mà vị tu sĩ chịu đựng bao nhiêu nỗi nhục nhằn bị tra tấn, những cực hình lên tinh thần và thể xác. Tôi đọc 12 chương sách hay xuyên suốt 270 trang giấy, mà mỗi chương chuyên chở tiếng lòng bất khuất của vị tù nhân lương tâm đáng kính này.

Thượng Tọa Thích Thiện Minh có thế danh là Huỳnh Văn Ba, sinh trưởng tại tỉnh Bạc Liêu. Trong chương 1 của sách, ngài cho biết là thân phụ là một tín hữu Cao Đài: "Cha tôi có tấm lòng nhân hậu, tính tình rộng rãi hay giúp người. Mẹ tôi là một người đàn bà hiền thục, mẫu mực vất vả quanh năm vì chồnng con.” (Tr. 8) Có lúc gia đình phải tha hương cầu thực tại Vĩnh Bình (Trà Vinh). Chính tại nơi đây cậu bé Hùynh Văn Ba đã có duyên với cửa Thiền và được cha mẹ cho phép xuất gia. Năm 17 tuổi (1972) tác giả thọ giới Sa Di và năm 22 tuổi (1977) thọ Cụ Túc Giới do Hòa Thượng Thích Trí Thủ, rồi sau này được cử về trụ trì tại một ngôi chùa tại Vĩnh Bình và đã được đồng bào Phật tử tại đây gọi thân mật bằng các tên “ông đạo, huynh, cậu và thậm chí bằng con, bằng cháu nữa"

Chương 2 kể về biến cố đau thương 30 Tháng 4 xảy đến như một cơn đại hồng thủy mà dùng hai cụm từ ngữ là "Ách Vận Đại Biến" hay "Hắc Ám Nhật Tử" (Ngày Đen Tối). Sự hống hách của các cán bộ Việt Cộng sau khi xâm chiếm miền Nam, với tinh thần Tam vô chủ nghĩa: vô gia đình, vô tổ quốc và vô tôn giáo. Tên cán bộ Hai Thổ, xã đội trưởng du kích, ngang ngược chỉ vào tượng Đức Phật Đản Sinh, cười khinh khỉnh tuyên bố xấc xượt: "Thằng Phật nhỏ xíu này nó không có công làm cách mạng để đánh đuổi Đế Quốc, tại sao phải thờ nó? Nó ngồi một chỗ, để chờ người ta đem quà lại dâng cúng. Nó là thành phần giai cấp bóc lột mà!”. Đoạn y bước lên Chánh Điện lấy tay sờ vào tượng Phật Thích Ca Mâu Ni và nói: "Thằng Phật nầy ăn gì mà mập quá vậy!". Một lần khác sau khi Thượng Tọa bị bắt, Hai Thồ vào chùa chỉ tay tượng Phật nói: "Thằng Thiện Minh đã bị bắt giam rồi, còn mấy thằng Phật xi măng nầy cũng sẽ áp giải đi luôn". Theo chủ trương tiêu diệt ảnh hưởng của tôn giáo bằng cách khống chế và tịch thu mọi phương và tài sản của các tôn giáo, ngôi chùa Vĩnh Bình của ngài bị chiếm cứ bởi bạo lực của giới cầm quyền, mà đến nay Cộng Sản vẫn chưa trả lại tài sản này cho ngài.

Chương 3 và 4 thầy Thiện Minh mô tả cảnh tù tội. Thầy có kiến thức về thuốc nam cũng như châm cứu và biết võ thiếu lâm. Thầy làm công tác từ thiện, phụ trách mở thêm một phòng thuốc nam, châm cứu từ thiện tại chùa Từ Quang, ngoài phòng thuốc tại chùa Vĩnh Bình, khi gặp một đứa bé đau nặng gần chết vì cơn bệnh hô hấp, thầy ra tay cứu chữa cho bé. Đứa bé khỏi bệnh, người cha đến cám ơn thầy. Anh này là một kháng chiến quân phục quốc. Duyên thời cuộc đưa đẩy thầy vào Mặt Trận Nghĩa Quân Cứu quốc, Việt Nam Dân quốc. Khi bị bại lộ, thầy đứng ra nhận tội chỉ huy để tình nguyện hy sinh, vì càc anh em khác có vợ con. Thời buổi ban đầu khi CS chiếm được miền Nam, họ cai trị bằng nanh vuốt độc ác. Tội chống phá "Cách Mạng" lãnh án tử hình dễ dàng.

Tác giả của sách "26 Năm Lưu Dày" rất thích văn thơ, bằng chứng là nhiều trang sách đã được đăng thơ. Bốn câu thơ sau đây cho thấy tâm hồn thích thi phú của thầy:
"Tu sĩ quyết chùa am bế cửa
Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha
Đền xong nợ nước thù nhà
Thiền môn trở gót phật đà Nam Mô..."

Tác giả thuật lại vì tin người nên âm mưu trốn trại tù bị bại lộ, đưa tới một số người bị bắt, trong đó có người em ruột của thầy, Huỳnh Hữu Thọ, vì mang theo vũ khí yểm trợ cho cuộc vượt ngục tại trại giam huyện Vĩnh Lợi. Thầy Minh và các đồng chí được chuyển sang trại tù Minh Hải. Đây là nơi giam giữ những người mới bị bắt với nhiều tội trạng khác nhau, giam vào đây là để điều tra khai thác vì nơi này có đủ mọi biện pháp được áp dụng khắt khe trong công tác tra hỏi. Tại đây, từ việc đánh đập bằng tay chân, bằng gậy gộc, bằng dùi cui, bằng báng súng cho đến cùm, quyện, giam vào phòng giam riêng là điều xảy ra hàng giờ hàng buổi. Trại giam có đủ mọi cán bộ, công an từ Bắc vào Nam, kể cả kháng chiến lâu năm cho đến những tên công an loại mới vào ngành mà dân gian thừơng gọi là bọn “công an 30/4”. Họ đều có những ngón nghề độc đáo để điều tra, nào là đánh túi bụi, đánh kiểu trên đao dưới búa, còng tay đứng, còng chéo tay sau lưng, còng ngồi đan chéo hai tay. Họ dùng nhục hình để điều tra, bản thân thầy khi giam giữ tại đây, cũng không tránh khỏi những nhục hình này. Hàng ngày hai chân thầy luôn ở trong cùm, bị cùm suốt ngày đêm, suốt tháng quanh năm. Hai chân bị cùm quyện tại chỗ, không thể đứng thẳng được nên dần dần bị tê liệt. Còn tiểu tiện thì trong một cái hũ, mỗi khi đi vệ sinh phải nhờ người khiêng hũ lại dùm. Hũ vệ sinh vừa có phân, vừa có nước tiểu. Mỗi ngày công an cho người đem đổ. Có khi đến 2-3 ngày mới đổ nên phân và nước tiểu tràn ra ngoài ướt cả chỗ nằm bốc mùi hôi thối! Sau khi đổ hũ, công an ra lệnh tù nhân phải vào ngay thật nhanh cho nên chiếc hũ chỉ rửa sơ sài, sau đó họ múc nước ngay chỗ rửa hũ mang vào cho những người đang bị cùm trong quyện như thầy để tắm. Mỗi người trong cùm chỉ được vài ca nước. Ca múc nước tắm cũng là ca đựng cơm ăn hàng bữa…Chiếc hũ luôn luôn còn sót lại phân người, nhất là phân cao lương loại lương thực rất cứng ăn vào khó tiêu, loại này dùng để ăn độn thay thế cơm. Khi tắm phân dính cả vào mặt, vào đầu đó là chuyện thường ngày. Phòng giam kỷ luật rất chật hẹp khoảng hơn 3m2 mà nhốt có khi lên đến 20 người, chỉ ngồi cũng không đủ chỗ làm gì có khoảng trống để nằm.

Trong vòng lao lý tác giả xót xa cho gia đình, nghĩ về hoàn cảnh của mình, là người anh lớn vì thời cuộc oan khiên: "Vì hoàn cảnh quá khổ nghèo do thảm trạng xã hội, nên gia đình thầy gồm: Em thứ 7 của thầy tên Nghĩa phải nghỉ học để đi bán bánh mì dạo nuôi gia đình. Em thứ 6 tên Nhiều phải đạp xe vua, loại xe phải đạp bằng 2 chân, phía sau có gắn cái thùng để chở thêm được vài người. -Em thứ 5 mới lập gia đình hơn 1 năm, vừa sinh được một bé gái, bị nghi ngờ có liên quan vụ án nên đã bị tù . Em gái thứ Tư bán mía, khoai, cóc, ổi,...trước nhà. Hãy đọc tiếp:

“Mẹ tôi tuổi cao sức yếu lại bị bệnh thường xuyên vóc người mỗi ngày một gầy mòn, thân hình tiều tuỵ lo buồn vì chồng, vì con, tức cha tôi vừa qua đời cách đây mấy tháng, nay đến tôi và đứa em trai thứ Năm đều bị tù tội. Một điều xót xa là các em tôi còn thơ ngây nhỏ dại đang trong lứa tuổi cắp sách đến trường, tuổi chỉ biết ăn, biết học, biết chơi. Nay đành từ giã mái trường để tìm kế sinh nhai, vừa nuôi mẹ già đang đau yếu, vừa dành dụm ít tiền hàng tháng để đi thăm nuôi 2 người anh đang ở tù tận mũi Cà Mau... Em trai tôi là một học sinh hiền lành ngoan ngoãn, học rất giỏi, không những lễ phép với thầy cô mà còn rất có tình có nghĩa với bạn học cùng lớp và rất mực hiếu thảo với mẹ cha. Em học luôn đứng nhất, nhì trong lớp lại được bầu làm trưởng lớp nữa! Nhưng vì hoàn cảnh… nên lỡ dỡ việc học hành. Có những buổi đi bán bánh mì ngang qua trường cũ, em cố đi qua thật nhanh, và kéo chiếc nón sụp khỏi vành tai để cho các bạn đừng nhìn thấy. Thật ra trong lòng em rất tiếc nuối và rạo rực trào dâng một nỗi niềm nữa vui nữa buồn khôn tả. Em hình dung lại hình ảnh của thầy cô, của bạn bè … đôi chân em dường như muốn chùn lại, nước mắt lưng tròng."

Văn phong của tác giả trung thực trong nỗi chua xót trong tâm can của tôi. Là một tăng sĩ, một sĩ phu không khuất phục bạo lực. Tôi đọc đoạn thầy đấu khẩu với tên Nguyễn Ngọc Cơ tự là Sáu Búa, Viện trưởng viện kiểm sat nhân dân tỉnh Minh Hải. Lý do mà ông ta có biệt danh là Sáu Búa vì thời kỳ còn hoạt động trong rừng rú ông này phụ trách thi hành án tử hình. Một hôm nọ, tòa án xử tử hình một bà lão trên 70 tuổi, tuổi đã gần đất xa trời, cụ bà bị khép vào tội "làm điềm" tức là chỉ điểm viên cho quân đội VNCH. Đáng lý ra ông ta thi hành án xử tử bằng mã tấu, nhưng đây là phiên tòa nhân dân lưu động đặc biệt, nên khi xử xong là thi hành án ngay. Hôm đó ông không đem theo mã tấu bên mình, nên đành tạm mượn 1 chiếc búa của dân làng. Ông phải vất vã đập đầu bà cụ đúng 6 nhát búa thì bà mới tắt thở. Người chứng kiến sự kiện man rợ trên cho rằng cụ bà bị hàm oan nên khi chết đôi mắt cứ mở trao tráo, mà không chịu nhắm nghiền lại.

Ra tòa xét xử, thầy Thiện Minh bị Sáu Búa hỏi vặn như răn đe:

- Anh có sợ chết không?

Thầy trả lời:

"Mọi người trên đời này chỉ chết có một lần, nhưng ai ai cũng muốn sống, và cũng chẳng có ai sống mãi trên đời, nhưng sống hay chết như thế nào để có ý nghĩa, có ích cho đời đó mới là điều quan trọng bởi vì "Tử đắc kỳ sở". Tôi làm việc này để đồng bào được sống đúng ý nghĩa của con người, đúng với Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền theo nghị quyết 217A ngày 10-12-1948".

Sáu Búa hỏi tiếp:

- Sống đúng với ý nghĩa của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền là như thế nào ?

Thầy trả lời: "Phải có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Dân quyền không bị tước đoạt, giá trị nhân phẩm của con người không bị chà đạp, mưu cầu hạnh phúc bằng sự chân chính chứ không phải tóm thâu của kẻ khác đem về cho mình làm chủ"

Ông ta lại nói tiếp:

- Nhưng, nếu chúng tôi đem anh xét xử với tội chết thì anh nghĩ thế nào ?

Thầy trả lời:

- Nếu cần phải sống cho sự nghiệp và lý tưởng được sống mãi ta phải cố sống và nếu cần phải chết cho sự nghiệp và lý tưởng được sống mãi, đôi lúc ta cũng vui vẻ chết, đó là sự dũng cãm hy sinh để trở thành bất tử, đối với nhà tu là thánh hóa linh hồn. Sáu Búa lắng nghe. Thầy tiếp lời:

- Vả lại ông biết rồi đạo Phật chúng tôi chết là giải thoát.

Ông ta nói:

- Thôi đừng giảng đạo ở đây nữa, chừng nào về chùa cứ mà giảng đạo, sợ không chịu nổi nửa mức án, chứ làm gì có thể về chùa.

Thời gian "làm việc" hơn nửa giờ đồng hồ, hai bên cứ đấu lý qua lại vẫn chưa đi đến đâu. Sáu Búa lườm nguýt tỏ vẻ khó chịu và hỏi thẳng vào nguyên nhân "làm loạn, phản động":

- Anh cho biết ai là người đứng đầu tổ chức Trung ương của anh ?

Thầy Minh trả lời:

- Ở Trung ương có Thượng Tướng Trần Văn Trà và Bà Nguyễn Thị Bình.

Ông ta đổi sắc mặt lấy tay đập bàn và nói một cách hằn hộc:

- Tại sao anh lại dám khai hai đồng chí cao cấp của tôi, trong khi hai đồng chí này có mấy chục năm tuổi Đảng, đã đóng góp nhiều cho cách mạng để đem đến sự thành công vẻ vang như ngày hôm nay, mà anh cho rằng phản động như anh vậy à! Tại Sao anh không khai cả tôi luôn đi, tôi tên là Nguyễn Ngọc Cơ tức Sáu Búa nè !

Khi nghe xong câu thách đố, thầy tỏ thái độ khó chịu và nhìn Sáu Búa nói thêm:

- Xin lỗi ông tôi không phải là quan, chứ nếu tôi là quan thì tướng mạo của ông xin làm lính tôi, tôi cũng không nhận, thì khai ông làm gì?

Có lẽ bị cú sốc bất ngờ như xối gáo nước lạnh vào mặt, Sáu Búa nổi nóng liền vói tay chụp lấy cái bình trà để trên bàn và dự định ném vào người thầy. Theo sự tường thuật, thầy điềm nhiên phát biểu:

- Tư cách một ông Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, mà có hành vi thất sách đối với người tù chính trị tôn giáo như tôi à!

Sáu Búa bỗng dừng tay lại và quát to:

- Đồ ngoan cố, mầy là tên phản động, chuyên khuấy đục và bôi bẩn Đảng, mầy về đi!

Chúng ta thấy rằng giới luật pháp tuân lệnh Đảng CS u mê chỉ là bọn vô lại, côn đố tiếp tay cho tội ác để đàn áp nhân dân mà thôi.

Một trường hợp thương tâm khác khi thầy kể lại trong chương 5 là:

"Tôi còn nhớ chỉ sau ngày 30-4-1975 vài hôm, thì ông xã trưởng chính quyền cũ thường được gọi là ( ông xã Điểm) ông xã này trước kia thường bắt nhiều Việt Cộng ban đêm bò ra gài mìn phá đường, phá lộ giựt sập cầu và rãi truyền đơn v.v… Đến khi Sài Gòn đổi chủ, Việt Cộng tiếp quản chính quyền thì ông xã Điểm bị đem xử tử tại xã. Trước khi xử bắn họ tập họp dân lại để kể tội ông, dân theo Việt Cộng dùng cây, kẻ dùng đá, đòn gánh đánh đập túi bụi, đầu cổ ông bị giập nát, mình đầy máu me, máu tuôn chảy đầm đìa lênh láng mà họ còn không buông tha. Trong khi hai tay bị trói chặt, miệng nhét đầy giẻ và thêm một trái chanh rồi bịt miệng bằng một chiếc khăn đen, đã vậy mà hai ba người còn dùng mấy cục đá thật to chạy đến đập vào đầu ông xã Điểm một lần nữa, trước khi lôi kéo thân ông đến một gốc cây họ buộc thật chặt và bắn ba phát súng. Khi nạn nhân ngã qụy tên trưởng toán đến bên xác nắm tóc lên và nả vào màng tang một viên đạn gọi là “ân huệ sau cùng” trước khi kéo xác lấp vào hố."

Khi được chuyển sang trại cải tạo Cây Gừa lại âm mưu vượt trại và rồi bị thất bại. Năm bạn đồng tù toa rập đào lổ thoát thân, khi nội vụ bất thành, một người bị xử tử, bốn người còn lại bị đày ra miền trung, giam vào trại tù Xuân Phước, nằm trong một thung lủng tử thần, nơi rừng thiên nước độc. Nơi đây tác giả sau cùng lại gặp nhiều tù nhân của càc tôn giáo được giải về đây. Xuân Phước khét tiếng với khu kỷ luật gồm 3 loại cùm, loại khoen tròn, loại khoen chữ V và loại khoen chữ V có khía hình răng cưa. Tùy theo thái độ của người tù mà họ ứng xử, hoặc phát cơm chan ngập nước muối, ăn vào mặn đắng không tài nào nuốt nổi. Đặc biệt trại tù xử dụng những tên gọi là Trật tự để trù dập, đánh đập, bớt nước uống, bớt cơm của tù nhân. Ở trại K1 có tên Tân mang tội hình sự là bộ đội CS, đã từng ăn gan người ở Campuchia, nên đôi mắt lúc nào cũng đỏ ngầu trông phát khiếp. Tại nhà tù Xuân Phước sự ngược đãi tù nhân rất tàn tệ, người tù sống trong cảnh thiếu thốn mọi bề, vô cùng nghiệt ngã. Nhiều tù nhân bị kiệt sức vì bị cưỡng bức lao động khổ sai hoặc bị đánh đập tàn bạo man rợ, tính trung bình thì tháng nào cũng có vài người chết. Có khi chết liên tục một tháng 3 đến 5 người, đây là chuyện thường xảy ra và thầy đã ra câu thơ:
«Trông thấy người khác chết
Trong lòng rất xót xa
Nửa thương xót kẻ chết
Nửa nghĩ tới phiên ta...! »

Ở hoàn cảnh cùng kẹt không lối thoát người tù đâm ra ù lì liều lĩnh. Một khi chí đã quyết nên phải ra tay, từ đó thầy Thiện Minh cùng với một số bạn đồng tù thân quen trong trại đứng ra tổ chức cướp trại giải thoát cho tù nhân bạn, âm mưu là định giải cứu đem đi 700 người trong số hơn 1000 người của trại. Tất cả sẽ cùng nhau hoạt động trong rừng và hợp tác đấu tranh. Nhưng sự việc bị bại lộ cho nên tù nhân nổi loạn bị bắt và bị cùm quyện tay chân ngày đêm hơn 3 năm.

Trong thời gian điều tra thầy bị đánh đập dã man, đặc biệt những trận đòn hội đồng, bị đánh tập thể gồm có các tên cán bộ an ninh của trung tâm. Chúng đánh bằng báng súng, bằng tay chân và 100 roi điện. Trong một buổi điều tra để khai thác cung để bắt thêm người, các tên đao phủ an ninh trại đánh thầy bằng tay chân tới tấp vào thân thể, đầu, mặt. Phía sau có một tên cán bộ khác dùng họng súng dài, thúc mạnh vào lưng trúng ngay lá phổi làm thầy bị trọng thương té ngất xỉu, máu tuôn ướt đẫm cả áo quần. Sau khi tỉnh dậy, những tên hung thần nầy không cho thầy thay quần áo, thầy đành mặc áo dính máu luôn cho đến khi rách nát. Hậu quả, vết thương lá phổi của thầy đến giờ này cũng còn dây dưa chưa dứt hẳn, nó thường đau buốt và ho liên tục mỗi khi trái gió trở trời. Đánh đấm bằng chân tay và bá súng chưa đủ, chúng đánh tiếp thầy 99 roi điện chỉ vì đếm lộn một roi. Đến khi kết thúc điều tra vụ án trốn trại các tên nầy lập hồ sơ quy kết thầy tổ chức “chống phá trại giam".

Một bài thơ kỷ niệm được thầy cảm tác như sau:

«TU TÙ...!
Thêm dấu chữ Tu biến chữ Tù
Chung thân hai án ở thiên thu
Tay còng, chân quyện nơi u tối
Cửa sắt, tường cao chốn mịt mù

Thân thể hình hài trông yếu kém
Tinh thần, trí tuệ sáng trăng thu
Thiên đàng, địa ngục phân hai nẻo
Nửa kiếp thầy tu nữa kiếp tù...!

Nửa kiếp Thầy tu nửa kiếp tù
Thiền môn giã biệt bước chân du
Từ bi trí tuệ tình thương gọi
Bác ái nghĩa nhân xóa hận thù...

Y chiến ngày đêm luôn mặc giữ
Nâu sòng kinh kệ gác công phu
Nước non đáp trả tròn xong nợ
Tín, Hạnh, Nguyện, thành vẹn kiếp tu...!”

Trong trại tù thầy gặp những bạn đồng tù của các tôn giáo bạn như: Ông Phan Đức Trọng, 72 tuổi, là Giáo hội trưởng giáo hội "Hòa bình chung sống" ở Tây Ninh, ông là con nuôi của Trung tướng Trần Quang Vinh, Tổng Tư lệnh quân đội Cao Đài. Ông Trần Văn Nhành, một tín đồ thuần thành của đạo Hòa Hảo thuần tuý. Quý Linh Mục Nguyễn Văn Vàng thuộc dòng Chúa Cứu Thế, Linh Mục Nguyễn Quang Minh thuộc nhà thờ Vinh Sơn, Linh Mục Nguyễn Luân, thuộc giáo xứ Phan Rang, Linh Mục Nguyễn Tấn Chức, và nhiều nữa. Sống trong trại, tù nhân bị bạc đãi, quần áo bị mục nát, quần đùi không còn đủ để che thân. Linh Mục Vàng bị ghẻ mủ khắp thân thể, ngoại trừ trên mặt thì không có, ghẻ mủ dầy như dề cơm cháy khét đen, còn Linh Mục Nguyễn Quang Minh thì bị đánh trọng thương, đánh ho ra hộc máu miệng, và cả hậu môn, chỉ vì đem vào trại vài chiếc bánh “thánh" để rồi qua đời sau đó mấy ngày. Riêng Linh Mục Nguyễn Luân bị bệnh phổi nặng, vì chứng ung thư phổi. Do nhiều năm trong kỷ luật bị tra tấn, đánh đập, thầy Thiện Minh bị chứng viêm phổi nặng. Những lúc gần đây tôi được biết thầy thường ho ra máu.

Tình cảm liên tôn khi Phật giáo và Công giáo chia sẻ những khổ đau vì tai ách giặc Cộng. Cha Nguyễn Luân có biệt hiệu là ông Ba Không. Lý do những tên giám ngục thấy giam hãm ngài nơi kỷ luật quá lâu nên mời ngài lên "làm việc". Họ chỉ cần yêu cầu Linh Mục viết tiêu đề là:

"Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc"

và ký tên vào thôi! thì chúng sẽ cho Ngài ra khỏi hình phạt kỷ luật ngay. Thế nhưng Linh mục Luân lúc nào cũng viết như sau:
"Cộng Hoà Xã Hội chủ Nghĩa Việt Nam
Không độc lập - Không tự do - Không hạnh phúc".

Những tâm tình giữa Thượng Tọa Thích Thiện Minh và Linh Mục Nguyễn Luân "Ba Không" là khi xứ sở thật sự có tự do nhân quyền, thì một ngôi Chùa và một ngôi Giáo đường được xây kế bên nhau để lễ Giáng Sinh hay lễ Vu Lan thì Con chiên bên Công giáo và Phật tử được thong thả viêng thăm nhau như tinh thần hòa đồng tôn giáo, một ý niệm vô cùng cao đẹp, nhưng nay Linh mục Nguyễn Luân không còn nữa.

Thượng Tọa Thích Thiện Minh trong những chương cuối đế cập những gặp gỡ hay những kỷ niệm khi liên lạc với các bạn đồng tù của chế độ CSVN như Thượng Tọa Thích Không Tánh. Năm 1998, hai thầy gặp nhau trong dịp tiếp kiến phái đoàn Nhân Quyền của LHQ do Ông Abdel Rattah Amor hướng dẫn sang Viêt Nam. CS khuyến khích quý thầy sang Pháp định cư. Tuy nhiên, thầy Thiện Minh khẳng khái đề nghị 4 điểm với phái đoàn LHQ là CS phải:

- Thả tất cả tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm, tôn giáo đang bị giam giữ trong nhà tù CS vô điều kiện.

- Đòi trả lại tài sản của các tôn giáo và phục hồi quyền tự do tôn giáo một cách hoàn toàn trong đó có việc phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của GHPGVNTN.

- Xóa bỏ điều 4 hiến pháp của nước CHXHCNVN để thực hiện một chế độ đa đảng, đa nguyên và bình đẳng giữa các đảng phái.

- Tổng tuyển cử tự do với sự giám sát của LHQ, đôi bên đồng bộ chủ trương tình thương nhân đạo và hóa giải hận thù.

Trong nhà tù CS, thầy Thiện Minh có dịp Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế, một nhân vật bất đồng chính kiến chế độ CSVN, và là Chủ Tịch của Cao Trào Nhân Bản Việt Nam, ông chia sẻ những viên thuốc bổ, thức ăn chay được nhét vào lổ thông hơi như tiếp tế cho sức khoẻ của thầy, ông thể hiện những tình cảm tốt của người bạn đồng tù. Vì thức ăn chay làm giống món thịt như thức ăn mặn nên thầy trả lại qua lổ thông hơi suýt bị bọn cai tù bắt được. Khi BS Quế được phóng thích nhưng ông vẫn cương quyết giữ tinh thần bất khuất và chủ trương dứt khoát đòi hỏi tự do và nhân quyền cho Việt Nam, điều này khiến thầy dành nhiều thiện cảm với vị bác sĩ này. Một tù nhân đặc biệt khác là GS Doãn Quốc Sỹ, ông bị bắt vì đã gởi ra hải ngoại những truyện đả phá chế độ CS. Hậu quả GS Sỹ bị bắt trong vụ án nổi danh là "Biệt Kích Cầm Bút" và ông được xem như thủ lãnh củs nhóm nhà văn "phản động". Gặp nhau tại khám Chí Hòa, GS Sỹ sáng tác bài thơ ngắn kỷ niệm để tặng thầy, đại ý bài thơ về chú gà mổ những hạt gạo rơi vung vãi dưới đất (trang 223):
“Chú gà mà đi ăn đêm
Thấy hạt cơm mềm vung vãi đâu đây
Đêm khuya tội nghiệp cho mầy
Vất vả cành chầy một bóng thành hai.”

Tôi có nhắc GS Sỹ về bài thơ này ngày xưa, ông nói trong những ngày bị đọa đầy như vậy, những tù nhân nuôi lý tưởng khao khát tự do, họ trao đổi những chuyện trong tù và ngoài đời. GS Sỹ cũng nói thầy Minh có tính cương trực và thẳng thắn, rất đáng quý.

Tác giả kể tên nhiều vị gặp trong tù nữa. phần kết luận ở chương 12. Thầy Thiện Minh xác nhận mình là một thành viên của GHPGVNTN, đã bị chế độ CS giam cầm liên tục 26 năm, so với chiều dài lịch sử của dân tộc không là bao, nhưng so với một đời người quả là khủng khiếp. Thầy dành những lời đầy ân tình như khi GHPGVNTN được lãnh đạo bởi Đại Lão Hòa Thượng Tăng Thống Thích Huyền Quang và Hòa Thượng Viện Trưởng Thích Quảng Độ.

Thầy xác định lập trường của Giáo Hội là phục vụ dân tộc và chúng sanh. Do đó, dù ở đâu hay trong hoàn cảnh nào, Phật Giáo Việt Nam muôn đời vẫn là Phật Giáo Việt Nam, và muôn đời vẫn là của dân tộc Vịêt Nam. Đề cập về Hòa Thượng Viện Trưởng Thích Quảng Độ khi phát biểu về thái độ chính trị phải có của một công dân. Trên phạm vi tu hành, sự tham gia vào đời sống chính trị không có nghĩa là ra tranh chức vụ thế quyền, như ứng cử chức vụ dân biểu, hoặc lập đảng phái này nọ, mà là ý thức được trách nhiệm của mình đối với Tổ Quốc. Cho nên khi mọi người dân có quyền suy nghĩ về chính trị, phát biểu về chính trị và hành xử về chính trị thì đó là chúng ta biết xử dụng quyền công dân. Hãy cân nhắc lá phiếu của mình để chọn người xứng đáng đại diện cho mình hay bầu người cầm vận mệnh quốc gia thì dù muốn dù không cũng đã tham dự vào đời sống chính trị rồi.

Tôi nghe thầy nói trên đài phát thanh về Linh Mục Nguyễn Luân của xứ đạo Phan Rang đã có những khát vọng riêng tư trước khi mất. Ngài tâm sự là:

"Nếu được ra tù hai anh em mình cải cách mối liên hệ tôn giáo theo hướng mới chẳng hạn như: trước nhà thờ, hay bên cạnh Thánh đường thờ Chúa, có ngôi Chùa thờ Phật. Tín đồ Phật tử đi lễ nhà thờ cầu nguyện Chúa và ngược lại Con chiên của Chúa đến Chùa lạy Phật ngày Rằm, bởi các đấng xuất thế luôn chủ trương yêu thương mà người đời thường hay cố chấp. Một khi tinh thần hòa hợp chung thì thể chất mới kết hợp được cho nên nếu các Tôn giáo Đại đoàn kết tạo thành một khối vững chắc đi đầu, thì các tổ chức xã hội mới noi gương... Tôn giáo và nhân quyền là sức mạnh chính làm chuyển hóa chế độ bạo quyền này".

Tôi xót xa khi nghe thầy Thiện Minh nói on air về cái chết của Linh Mục Nguyễn Luân, tôi ngậm ngùi khi đọc những khát vọng của một cha xứ đáng kính nơi cuối trang 243 của sách "26 Năm Lưu Đày".

Như GS Doãn Quốc Sỹ nhận xét về sự cương trực và thẳng thắn của Thượng Tọa Thiện Minh, ngài đã trả một cái giá rất đắt là 26 năm tù tội chỉ vì muốn sống đúng với nhân vị, ngài không chùn bước trước bạo lực. 26 năm tù tội để tranh đấu cho quyền làm người. Nhà tranh đấu cho nhân quyền nổi tiếng tại Nam Phi là Nelson Mandela đã lớn tiếng phê phán, chỉ trích nạn kỳ thị màu da khi nhà cầm quyền thiểu số người da trắng đã bóc lột và đè đầu cởi cổ dân đa số dân da đen, để rồi Nelson Mandela chịu đựng 27 năm tù, loại tù chung thân biệt giam tại hòn đảo Robben Island, họ đánh đập trả thù cá tính ươn ngạnh bất phục tùng của ông. Thượng Tọa Thiện Minh không càch xa người lãnh giải Nobel hòa bình này của năm 1993 là bao, vì cả hai chấp nhận ngồi tù gần 3 thập niên cho giá trị cao quý của quyền làm người, cái quyền bẩm sinh của trời đất, nhân quyền không thể van nài hay xin xỏ để được ban phát mới có được.

Văn hào Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn được biết nhiều qua những tác phẩm nổi danh như Tầng Đầu Địa Ngục (The First Circle, truyện kể về trại tù khắt nghiệt Marfino, ngoại ô của Moskova) và Một Ngày trong Đời của Ivan Denisovich (One Day in the Life of Ivan Denisovich), và The Gulag Archipelago (Quần Đảo Ngục Tù), được tuyên bố trúng giải Nobel năm 1970 vì quá khứ cho thấy ông chống báng kịch liệt chế độ độc tài của Liên Sô. Tháng 7 năm 1945 ông bị kết án tù 8 năm tại các trại lao động khổ sai như là gulags cộng thêm 4 năm lưu đày sau đó, vì một bức thư ông viết gửi các bạn bày tỏ quan điểm chống lại chủ nghĩa áp bức người dân của hung thần Josef Stalin. Năm 1965 các tác phẩm của ông bị cấm lưu hành ở Liên Sô. Được phiên dịch và xuất bản ở nước ngoài, các tác phẩm này lại khiến ông bị bắt giữ năm 1974, bị tước bỏ quyền công dân và bị trục xuất ra xứ ngoài. Tác phẩm của Solzhenitsyn là những bản cáo trạng tố cáo tội lỗi của đảng CS Liên Sô, "26 Năm Lưu Đày" của Thượng Tọa Thiện Minh cũng đã trình bày những nỗi ô nhục, những vết nhơ đày đọa nhân dânViệt Nam, thử tượng cảnh tên Sáu Búa đập đầu bà lão đến chết bằng búa, chỉ vì nghi ngờ bà làm điềm chỉ viên cho bên quân đội VNCH. Bao nỗi oan khiên cho dân tộc Việt Nam phải hứng chịu ách Cộng Sản cai trị quê hương oan khiên của chúng ta.

Đọc tác phẩn "26 Năm Lưu Đày" để thấu hiểu những chuổi ngày dài tù tội, để cảm thông với tác giả về những kinh hoàng trên thân xác, những đọa dày về tinh thần. Đọc tác phẩn "26 Năm Lưu Đày" để hiểu rằng những khổ đau của thế giới từ Nelson Mandela đến Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn, tôi xin đề nghị hãy kể thêm những khổ đau của tăng sĩ Thích Thiện Minh hay kẻ sĩ Huỳnh Văn Ba. Tôi cho là vậy: Người chiến sĩ nhân quyền thật đáng kính trọng.

Để có copy sách này, xin liên lạc về cô Trâm Oanh:
[email protected]



Trần Việt Hải, Mùa Xuân 2008





Ý Kiến Đóng Góp



Thực hiện và kỹ thuật Website:

Lê Duy & Đan Thi



Free Web Template Provided by A Free Web Template.com